Việt Nam vinh dự đón nhận 3 giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”.
TP.HCM tổ chức nhiều lễ hội để thu hút khách du lịch.
Tối ngày 3/9, tại thủ đô Manila, Philippines đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31 năm 2024.
Ban tổ chức đã công bố các giải thưởng cho các thương hiệu du lịch khu vực châu Á và châu Đại Dương. Ở cấp quốc gia, Việt Nam vinh dự đón nhận 3 giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”. Đáng chú ý, đây là lần thứ 6 trong 7 năm qua Việt Nam tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” (vào các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023, 2024), khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, là ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch khu vực châu Á và thế giới.
Năm nay, Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký để đạt danh hiệu cao quý này, đó là các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Sri Lanka.
Ở cấp địa phương, năm nay, Thủ đô Hà Nội tiếp tục được vinh danh tại hạng mục “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” và “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á”. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giành giải “Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á” và “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á”.
Một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Hội An là dạo bộ qua các con phố cổ, nơi những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Đô thị cổ Hội An lần thứ 5 vinh dự nhận giải thưởng “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á”. “Viên ngọc xanh” Mộc Châu lần thứ 3 liên tiếp đạt giải thưởng “Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á”. Tỉnh biên giới nơi địa đầu tổ quốc Hà Giang lần đầu ghi danh tại hạng mục “Điểm đến du lịch văn hóa cấp địa phương hàng đầu châu Á”. Tỉnh Hà Nam lần đầu tiên đứng đầu hạng mục “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”.
Cùng với đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam trong các lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành… cũng được vinh danh tại nhiều hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á 2024.
Du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, điều này thể hiện rõ trong đợt nghỉ lễ vừa qua, số khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch cơ bản tăng, là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound từ tháng 10 tới. Khách quốc tế chủ yếu đến từ các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ với thời gian lưu trú khoảng 4-5 đêm.
Du khách thích thú xem bắn pháp hoa tại TP.HCM.
Tiêu biểu là một số địa phương: Đà Nẵng ước đón 91.000 lượt khách (tăng 15,3%); Hà Nội ước đón hơn 58.900 lượt (tăng 35,8%); Khánh Hòa tiếp nhận 254 lượt chuyến bay quốc tế với trên 48.000 lượt khách; TP. Hồ Chí Minh ước đón 38.800 lượt khách (tăng 3,2% so với cùng kỳ); Bà Rịa – Vũng Tàu ước đón 25.560 lượt khách; Thừa Thiên Huế ước đón 16.000 lượt khách lưu trú (tăng 54,3%); Kiên Giang ước đón 15.570 lượt khách (tăng 271,4%); Lào Cai ước đón hơn 13.470 lượt, tăng 46,4%…
Để đáp ứng tối đa nhu cầu tham quan, vui chơi nghỉ dưỡng của khách du lịch, các địa phương đã phối hợp cùng cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn chủ động làm mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đồng thời tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, các chương trình khuyến mại, gói dịch vụ đi kèm… nhằm thu hút và tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của du khách.
Nổi bật là tại Mộc Châu (Sơn La) không khí Tết Độc lập tràn ngập đường phố với những điệu xòe, điệu múa… Than Uyên (Lai Châu) với chương trình “Lung linh sắc màu Than Uyên”. Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với phiên chợ vùng cao “Vui Tết Độc lập”. Mù Căng Chải (Yên Bái) với chương trình nghệ thuật “Dáng hình đất nước” và tổ chức Lễ hội Sơn Tra. Núi Bà Đen (Tây Ninh) sôi động với các hoạt động du lịch “săn mũ mây trắng”, múa trống Chhay dăm, nhạc ngũ âm và đặc biệt là lễ chào cờ mừng Quốc khánh được tổ chức trên đỉnh núi mang đậm tinh thần tự hào dân tộc…
Tại các trung tâm du lịch, hoạt động du lịch diễn ra rất sôi nổi, nhộn nhịp với nhiều sản phẩm mới hấp dẫn như: trải nghiệm du ngoạn sông Hàn, trải nghiệm dù lượn ngắm Đà Nẵng từ trên cao, tour xích lô du lịch khám phá vẻ đẹp về đêm của Đà Nẵng; TP. Hồ Chí Minh mở thêm tuyến tham quan bằng xe buýt 2 tầng và khai trương Phố thương mại – ẩm thực Sky Garden; Khu du lịch Bò Cạp Vàng (Đồng Nai) ra mắt thêm hạng mục thác nước nhân tạo Bliss (Bliss Waterfall0); Đà Lạt ra mắt bản đồ du lịch nghệ thuật (Dalat Art Map)…
Do thời tiết cơ bản thuận lợi ở cả 3 miền nên các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh/thành phố đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương ghi nhận số lượng tăng cao như Bình Thuận tăng gấp hơn 3 lần tổng lượng khách.
Du khách quốc tế đến du lịch Việt Nam ngày càng nhiều.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh ước đón và phục vụ 980.000 lượt khách (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023); Hà Nội: 672.900 lượt (tăng 5%); Hải Phòng: 580.000 lượt; Khánh Hoà: 578.219 lượt (tăng 2%); Bà Rịa – Vũng Tàu: 555.984 lượt (tăng 4,0%); Quảng Ninh: 455.000 lượt (tăng 19%); Thanh Hoá: 395.700 lượt (tăng 20,4%); Bình Thuận: 385.000 lượt (tăng gấp 3,3 lần); Nghệ An: 320.000 lượt (tăng 19%); Đà Nẵng: 308.000 lượt (tăng 21,2%); Lào Cai: 196.500 lượt; Kiên Giang: 159.176 lượt (tăng 25,6%); Lâm Đồng: 132.000 lượt (tăng 10%); Thừa Thiên Huế: 130.000 lượt (tăng 32,7%)…