Trong những năm gần đây, thể loại phim tài liệu, tiểu sử thần tượng đã dần quen thuộc hơn với khán giả Việt Nam với “BTS: Yet To Come in Cinemas” hay “NCT Dream The Movie”. Nhưng trong giới nghệ sĩ Việt, liệu đây có là một hướng đi thành công?
Phim tài liệu và tiểu sử dựa trên thần tượng không phải một thể loại lạ gì với những bạn trẻ yêu thích văn hoá idol nữa. Hầu hết những thần tượng nổi tiếng đều có cho mình một bộ phim tài liệu về cuộc đời và quá trình phát triển sự nghiệp của mình. Như nhóm nhạc One Direction có “This is Us”, Taylor Swift là “Miss Americana”. Với những phim tiểu sử, hai bộ phim “Bohemian Rhapsody” về nhóm nhạc Queen hay “Rocketman” xoay quanh nam ca sĩ Elton John đã là cái tên nổi bật. Gần đây nhất tại Việt Nam có những bộ phim tài liệu xoay quan nhóm nhạc BTS như “Burn The Stage”, “Bring The Soul”, “Break The Silence” hay “NCT Dream The Movie” xoay quanh nhóm nhạc NCT rất thành công dù xuất chiếu giới hạn.
Năm 2020, bộ phim “Sky Tour Movie” của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP, xoay quanh chuỗi sự kiện âm nhạc Sky Tour tại cả ba thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội đã ra rạp. Bộ phim đã đạt được kỉ lục với lập kỷ lục khi đạt 10.000 vé bán sớm sau 48 giờ chính thức mở bán trước khi công chiếu một ngày. Sau mười ngày khởi chiếu, bộ phim khép lại với tổng doanh thu 11,6 tỉ. Vào ngày 2/9 cùng năm, “Sky Tour Movie” được đơn vị trực tiếp Netflix mua về để phát hành trên 190 quốc gia với 10 lựa chọn ngôn ngữ phụ đề.
Trong năm nay, ca sĩ Mỹ Tâm đã có cho riêng mình một bộ phim tài liệu mang tên “Tri âm the movie: Người giữ thời gian” ra rạp vào ngày 8/4 vừa rồi. Đây là bộ phim xoay quanh quá trình thực hiện Liveshow Tri Âm tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội của nữ ca sĩ, từ đó thể hiện nên những diễn biến tâm lý và cảm xúc vui buồn của Mỹ Tâm trong hai năm khó khăn nhưng cũng đầy kỉ niệm. Tuy nữ ca sĩ chỉ cho công chiếu phim trong hai tuần với mục đích tri ân người hâm mộ, nhưng bộ phim đã thành công mang về doanh thu 12,3 tỷ đồng.
Bên cạnh Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng cũng cho biết bản thân sẽ cho ra mắt một bộ phim tài liệu của riêng bản thân mang tên “Hào quang rực rỡ” vào năm sau. Được biết, bộ phim kể về hành trình “from zero to hero” này của nam ca sĩ được cảm hứng từ bộ phim tiểu sử thi ca “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Mặc dù đây là một bộ phim gây tranh cãi, nhưng thành công của “Em và Trịnh” cũng là điều không ai có thể từ chối.
Có thể thấy, hai bộ phim tài liệu âm nhạc của Việt Nam đều đến từ hai cái tên rất lớn trong showbiz Việt là Sơn Tùng M-TP và Mỹ Tâm. Và cả hai đều không không thực sự tập trung vào toàn bộ hành trình phát triển của hai ca sĩ trong hành trình nghệ sĩ, mà chỉ tập trung vào hai sự kiện âm nhạc lớn mà hai ca sĩ tổ chức. Mặt khác, bộ phim “Hào quang rực rỡ” chỉ xoay quanh nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng – người đã trải qua thời kỳ âm nhạc từ những năm 1980, 1990 và chắc chắn sẽ có những câu chuyện đáng lưu ý. Tuy nhiên, việc phải thay đổi tên phim “Hào quang rực rỡ – The King” vì phản ứng trái chiều về danh xưng “ông hoàng nhạc Việt”, cũng như tính khách quan trong nội dung phim cũng đã gây thắc mắc trong lòng khán giả đại chúng.
Để một bộ phim tài liệu có thể thu hút khán giả, nhân vật chính là một cái tên được biết đến rộng rãi và được quan tâm là điều bắt buộc. Bên cạnh đó là việc cá nhân đó được yêu thích bởi khán giả đại chúng, hay ít nhất là đối tượng khán giả mà phim hướng đến. Tuy nhiên, không phải ca sĩ, nghệ sĩ nào cũng có được điều đó. Bên cạnh đó, không phải lúc nào các khán giả cũng hứng thú với thể loại phim tài liệu. Đặc biệt là khán giả Việt Nam. Trước khi bộ phim “Tri âm the movie: Người giữ thời gian” của Mỹ Tâm ra rạp, đã có phim “Những đứa trẻ trong sương” cũng là phim tài liệu.
Bộ phim từng gây chú ý khi lọt vào danh sách rút gọn (shortlist) gồm 15 phim cuối cùng được chọn tranh giải Oscar 2023 ở hạng mục “Phim tài liệu xuất sắc”, cũng như nhận được phản hồi tích cực từ khán giả lẫn giới chuyên môn. Tuy nhiên trong một tháng ra rạp, bộ phim chỉ nhận được 2 tỷ đồng doanh thu. Điều này cho thấy rằng phim tài liệu không phải một thể loại phim ăn khách tại Việt Nam và không phải ai cũng sẵn sàng dành thời gian và công sức cho nó.
Bên cạnh đó, việc thực hiện phim tài liệu cũng cần những kiến thức chuyên môn, cũng như thời gian cùng công sức để quay, thu thập thông tin và biên tập những điều đó. Và với một thể loại phim quá mới là phim tài liệu, tiểu sử thần tượng, không phải đạo diễn nào cũng có thể làm hài lòng khán giả đại chúng và chuyên môn, cũng như những người hâm mộ lâu năm và những người mới tìm hiểu về nghệ sĩ. Do đó, việc cân bằng và biên tập nội dung cũng là điều cần được lưu ý. Tuy nhiên với những nhà làm phim còn quá mói với thể loại này, không phải lúc nào những dự án cũng cầm chắc thành công, kể cả với những bộ phim xoay quanh những cái tên lớn.
Do đó, dòng phim tài liệu, tiểu sử thần tượng tuy là một thể loại tiềm năng tại Việt Nam nhưng còn cần rất nhiều yếu tố để thành công, kể cả từ nghệ sĩ, nhà làm phim lẫn khán giả. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng thể loại này là một bất cập, mà có thể được xem là sự phát triển của Vpop nếu như các cá nhân thần tượng những nhà làm phim Việt đều phát triển về mặt chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp.
Theo Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống.