Tô Nhi A bất ngờ vì cô gái đạp xe qua các nước Đông Nam Á với tiêu chuẩn 50 USD chi tiêu ở mỗi nước, bị xem là “lập dị” vì cắm trại ở nghĩa trang.
Tham gia tập 6 chương trình Vali cảm xúc, Trương Mỹ Châu, một cô kỹ sư nông nghiệp đang làm việc tại TP. HCM kéo theo chiếc vali được cô gọi là hành trang gắn với sự đam mê của chính đời mình.
Hành trang mà Mỹ Châu mang đến Vali cảm xúc được cô nàng gắn với từ khóa “đam mê” bởi nó chứa đựng những đồ vật đã đi cùng cô trong những hành trình theo đuổi sở thích “xê dịch” của mình. Cô nàng cho biết, trước kia vì luôn bận rộn với chuyện học hành và công việc nên đến tận 2017 cô mới có thể theo đuổi đam mê của chính mình.
Mở chiếc vali ra, món đồ đầu tiên được lấy ra là một chiếc bình giữ nhiệt được gắn với từ khóa “mệt mỏi”. Mỹ Châu có sở thích leo núi, đạp xe đường dài và luôn mang theo chiếc bình giữ nhiệt để “tiếp nước” khi mệt mỏi. Cô kể, bản thân từng leo qua 15 đỉnh núi cao ở Việt Nam, đạp xe một mình xuyên Việt,…
Khi đạp xe qua các nước trong khu vực Đông Nam Á (ĐNA), bình giữ nhiệt được cô mang theo để đựng nước đá, giúp giải nhiệt trước thời tiết nắng nóng gần 40 độ ở các nước Thái Lan, Malaysia,… Hay trong lần leo lên Everest Base Camp cao 5364M, trên dãy Himalaya, thì bình giữ nhiệt cung cấp nước ấm cho cô nàng khi ở nhiệt độ -15 độ.
Bên cạnh đó, bộ đồ nghề xay cà phê được Mỹ Châu gắn với từ khóa “lập dị” và “phán xét”, cô cho biết từ khóa này được mọi người “dán” cho cô trong nhiều năm qua. Cô nàng kể: “Như trong lần em đạp xe một mình xuyên Việt, khi đó em có 38kg và chở theo hành trang 40kg. Em mang đủ các đồ dùng cần thiết, mang cả lều trại theo để dựng trại ngủ dọc đường. Thậm chí là em từng dựng trại ngủ ở nghĩa trang và vài lần bị bệnh. Và vì vậy mà người dân địa phương luôn thấy em như là người khá quái gở”.
Mỹ Châu cho biết thêm, nhiều người thường thắc mắc không biết gia đình cô nàng có vấn đề gì không hay bản thân cô có từng gặp cú sốc nào không mà lại đi “lang thang” một mình. Cô mà cho rằng: “Những người không có cùng đam mê, không thích sự trải nghiệm như em thì họ thường nhìn em bằng một sự phán xét và cho rằng em lập dị. Lúc có những bài báo viết về hành trình của em, đi một mình, ngủ ở nghĩa trang,… thì có những người để lại bình luận tiêu cực. Họ nghĩ hành trình của em là nguy hiểm và cho rằng đó có thể là gương xấu cho nhiều bạn trẻ làm theo”.
Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng những từ khóa đều gắn với những tiêu cự và khá nặng nề, không phải ai cũng có thể dễ dàng đón nhận nhưng khi trò chuyện thì nữ tiến sĩ lại cảm nhận được một sự bình an bên trong con người Mỹ Châu. Nhân vật Mỹ Châu bộc bạch, cô không quan tâm nhiều đến dư luận mà quan trọng là cảm xúc bản thân khi lựa chọn theo đuổi đam mê, quyết định nghỉ việc để đạp xe là mua ngay xe đạp rồi thực hiện hành trình riêng dù trước đó rất lâu không đạp xe.
Mỹ Châu kể với Tiến sĩ Tô Nhi A rằng, trong một lần đi khám phá cực đông của tổ quốc thì cô nhận ra đam mê thật sự của mình và dần theo đuổi nó. Còn trước đó thì cô chỉ tập trung học và làm việc. Khi được gọi là một phượt thủ chính hiệu, Mỹ Châu chỉ cười và nhận bản thân là người có niềm đam mê với sự xê dịch. Trước niềm đam mê đến bất ngờ của nhân vật, Tô Nhi A cũng dành lời khuyên đến các bạn trẻ hiện đang mất phương hướng hãy để cho bản thân trải nghiệm nhiều hơn, và chỉ khi có trải nghiệm mới có thể phát hiện được điều mình thích là gì.
Nhắc đến sự “độc hành” khi theo đuổi đam mê xê dịch của mình, Mỹ Châu lý giải do bản thân thường đi mà không lên kế hoạch trước nên thường một mình. Đặc biệt, cô nàng thừa nhận bản thân có sức khỏe tốt, có thể đi liên tục rồi trở về bắt đầu với công việc ngay, không nghỉ ngơi gì nhiều nên cứ sắp xếp được là đi nên mới có những lần “độc hành” thú vị như chuyến đạp xe xuyên Việt một mình. Với Mỹ Châu, những chuyến đi như vậy không khiến cô nàng cô đơn mà vẫn vui, cô có thể tự quyết định mọi thứ trong chuyến đi của riêng mình.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Mỹ Châu cũng chọn “độc hành”, lần đạp xe qua các nước Đông Nam Á cô nàng vẫn có những người bạn đi cùng. Trên chuyến đi cũng luôn nhận được sự hỗ trợ từ mọi người. Cô kỹ sư nông nghiệp cho biết, bản thân thường rất ngại nhờ vả vì sợ phiền đến người khác nhưng sau những chuyến đi dài thì cô thấy mình có nhiều thay đổi. Cô nàng dễ dàng đón nhận sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh dù đi “độc hành” hay có người đồng hành. Và với vẻ ngoài nhỏ nhắn, nhiều người lầm tưởng Mỹ Châu có thể lực kém nhưng trái lại, khó khăn đối với cô không phải là thể lực mà việc “kiềm sở thích ăn uống”.
“Chuyến đạp xe ở các nước ĐNA thì em đi với hình thức tiết kiệm và đặt ra chỉ tiêu ở mỗi nước chỉ xài khoảng 50 đôla. Trong khi em ở mỗi nước thường trên dưới 1 tháng. Bình thường em có thể chi tiêu gấp 10 lần như vậy nhưng mỗi chuyến đi em đều phải tự kiềm bản thân lại. Điều đó là một khó khăn vì như ở Thái Lan có rất nhiều món ngon, mà em lại rất thích ăn uống cũng như ăn khỏe”, Mỹ Châu hài hước kể. Nhìn vẻ ngoài nhỏ nhắn đạp xe đường dài, lại ép bản thân ăn uống tiết kiệm trên hành trình theo đuổi đam mê khiến Tô Nhi A không khỏi bất ngờ.
Chương trình Vali cảm xúc phát sóng lúc 19h30 Thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Công ty Truyền thông Bee thực hiện, với sự đồng hành của nhãn hàng vali, balo, túi xách cao cấp Sakos và được bảo trợ truyền thông bởi Trang thông tin điện tử Saobiz.vn.
Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM