Là một giám đốc dự án có kinh nghiệm quản trị hàng trăm nhân sự, chị Cẩm Ly (Quận 9, TPHCM) mang phương pháp OKR vào nuôi dạy con và nhận được “quả ngọt” khi con trai đạt các mốc tăng trưởng ấn tượng, 9 tháng đã biết nói nhiều từ đơn.
“Nó còn bé quá thì học cái gì”, “Trẻ sơ sinh thì chỉ cần ăn với ngủ thôi” là những câu nói mà các bà mẹ thường xuyên nghe từ người xung quanh thậm chí là gia đình. Tuy nhiên, tin vào sự thần kỳ của khoa học não bộ và cũng là một người được tiếp xúc với giáo dục sớm từ nhỏ, vợ chồng chị Ly vẫn quyết định dạy học cho bé Leo (tên đi học: Lê Minh Hạo) từ trong thai kỳ. Không giống các bà mẹ khác, chị Ly áp dụng phương pháp OKR nhằm giúp con đạt được các mốc tăng trưởng có thể đo lường được một cách nhanh nhất .
OKR (Objective Key Results) là phương pháp quản trị thường sử dụng trong doanh nghiệp giúp các cá nhân và tổ chức xác định các mục tiêu có thể đo lường được và theo dõi kết quả. Phương pháp này bao gồm Mục tiêu (Objectives) là những mục tiêu chính xác, rõ ràng, ngắn gọn và Kết quả then chốt (Key Results) là các chỉ số đo lường được, có tính thời hạn, thách thức nhằm đánh giá xem mục tiêu đã đạt được hay chưa. Phương pháp này được phát triển bởi tập đoàn Intel, sau đó được phổ biến bởi Google, và ngày nay được sử dụng trong hàng ngàn doanh nghiệp kể cả Hải quân Hoa Kỳ.
Áp dụng OKR vào quá trình nuôi dạy con
“Nghe thì rất kì lạ, nhưng thực tế việc dạy con cũng khá tương đồng với quá trình quản trị nhân sự. Ở đây mình chỉ cần đề ra mục tiêu cho con, các kết quả then chốt và tiếp xuống là các action (hành động) nhằm đạt được kết quả đó”. Chị Ly cho biết, mình chỉ cần 1 tấm bảng, hoặc 1 file excel, nếu làm được mindmap hoặc sử dụng notion thì càng tốt, là đã có thể lên kế hoạch hoàn chỉnh cho con theo từng giai đoạn.
Ngay từ khi Leo chào đời, chị Ly đã đặt ra các mục tiêu như 3 tháng con biết lật; 4 tháng con biết trườn; 5 tháng con biết ngồi; 9 tháng biết nói,… và từ các mục tiêu này có các kết quả then chốt và hành động cụ thể đi kèm.
Ví dụ để Leo đạt được mốc 2,5 tháng lật, chị Ly vẽ ra các kết quả then chốt phải là: Con có hành vi nằm nghiêng; Con cứng cổ; Cân nặng trong chuẩn không bị thừa cân. Và để đạt các kết quả này, cần có các hành động/bài tập cụ thể cho bé như: Tập tummy time mỗi ngày 3 lần mỗi lần 5-10 phút; Thường xuyên nghiêng người con khi ngủ; Chơi các trò chơi thu hút sự chú ý để con nghiêng người 3 lần/ngày; Kiểm tra cân nặng hàng ngày, đảm bảo chuẩn tăng tối đa 1kg/tháng trong 3 tháng đầu; Thường xuyên cho bé tập lăn bóng để tăng khả năng về tâm thần vận động,…
“Khi có các hành động cụ thể nhằm đạt được mục tiêu và nghiêm túc kiên nhẫn thực hiện, chắc chắn mục tiêu cuối cùng sẽ đạt được thậm chí vượt kì vọng” . Quả thật, Leo là một em bé có các mốc tăng trưởng vượt trội khi mới 10 ngày tuổi bé đã trườn được khi được bố mẹ hỗ trợ, lật khi hơn 2 tháng, 3 tháng đã chỉ đúng thẻ chọn, 4 tháng đã tự trườn không hỗ trợ, 8 tháng vịn đi thành thạo và đặc biệt 9 tháng bé đã nói được rất nhiều từ đơn có nghĩa
“Trẻ em là những thiên tài. Bộ não của trẻ nằm ở đáy hình tam giác, tức càng nhỏ tuổi khả năng dung nạp kiến thức càng tốt, ngược lại càng lớn khả năng hấp thụ lại càng giảm đi. Do vậy, không phải trẻ dưới 12 tháng hoặc trẻ còn nhỏ thì không cần học, mà càng phải học nhiều. Đây là giai đoạn vàng của não bộ trẻ mà bất cứ cha mẹ nào cũng không nên bỏ lỡ. Chính vì vậy mình mới áp dụng phương pháp OKR để vợ chồng mình có kế hoạch cụ thể, mục tiêu hành động rõ ràng trong việc nuôi dạy con nhằm giúp con có thể đạt được các mốc tăng trưởng tốt nhất trong thời gian ngắn nhất cả về thể chất lẫn ngôn ngữ, nhận thức”, chị Ly chia sẻ
Theo tìm hiểu, Leo được nghe bố đọc sách mỗi đêm từ trong bụng mẹ, đến 3 tháng tuổi bé được học tráo thẻ và chọn đúng thẻ mỗi khi được hỏi, 4 tháng tuổi bé đã đi học tại các viện giáo dục sớm. Ở nhà, bố Leo sẽ phụ trách các mục tiêu vận động, mẹ phụ trách mục tiêu nhận thức, và cả bố mẹ đều sẽ cùng nhau vận hành mục tiêu ngôn ngữ cho bé. Về khả năng tập trung, Leo đều được các giáo viên và gia đình đánh giá có năng lực tập trung vượt trội, bé có thể chăm chú đọc cùng bố mẹ một lúc 5-6 cuốn sách. “Tập trung là năng lực cần thiết để bé có thể học tốt về sau”, bố Leo tự hào cho biết.
Muốn con phát triển đúng với sở trường và đam mê
Được biết, cả vợ chồng chị Ly đều có nền tảng học thức tốt khi tốt nghiệp các trường đại học top đầu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không vì thế mà gia đình ép con học hay mong muốn con phải chạy theo thành tích học thuật, ngược lại, vợ chồng chị Ly mong bé Leo được phát triển đúng với sở trường và đam mê. Nếu Leo yêu thích học thuật và có khả năng chịu được áp lực, gia đình chắc chắn sẽ cố gắng để bé học tại những môi trường học thuật hàng đầu. Bé yêu thích nghệ thuật thì càng tốt, gia đình luôn đề cao việc học tốt và hoạt động ngoại khoá cũng phải năng nổ. Còn không rơi vào trường hợp nào, thì gia đình sẽ tuỳ theo để định hướng cho bé.
“Leo là một em bé cá tính, năng động, hay cười, vì vậy mình nói với chồng tiên quyết phải phát triển cho con kĩ năng lãnh đạo. Học có thể không giỏi, nhưng lãnh đạo phải tốt. Hi vọng con có tố chất này để đỡ vất vả đào tạo”, chị Ly cười.
Sắp tới, Leo tròn 10 tháng tuổi và vợ chồng chị Ly cũng đã quyết định cho bé theo học nguyên ngày tại một trường mầm non giáo dục sớm gần nhà. Leo sẽ đi học tại trường mầm non từ thứ 2 đến thứ 6 và đi học thêm tại các viện giáo dục sớm vào thứ 7 và chủ nhật. Buổi tối các ngày trong tuần, vợ chồng chị Ly vẫn kèm cặp bé để đạt các mục tiêu mới như OKR đã đề ra. Tuy lịch nghe có vẻ dày đặc, nhưng vợ chồng chị Ly cho rằng “học” ở đây cũng như chơi mới khơi gợi hứng thú trong con, cũng như không quá đặt nặng áp lực mà vẫn tôn trọng nhu cầu phát triển tự nhiên của con, chỉ cần con không thích thì bố mẹ nhất định không bắt ép.
Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM