“Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân” là hai danh hiệu vinh dự nhà nước. Vậy, cá nhân thuộc trường hợp nào sẽ bị tước hai danh hiệu cao quý nêu trên?
“Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân” là hai danh hiệu thuộc những danh hiệu vinh dự nhà nước nhằm tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND nhưng sau đó lại vướng vào những lùm xùm không tốt khiến một bộ phận khán giả cảm thấy phản cảm và kêu gọi tước danh hiệu cao quý đã không ít lần được nhắc đến. Vậy, trường hợp nào nghệ sĩ bị tước danh hiệu NSƯT, NSND?
Quy định về việc tước danh hiệu NSƯT, NSND
Cụ thể, trong Điều 93 “Xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng”, Luật Thi đua khen thưởng 2022 có quy định rõ về các trường hợp bị tước danh hiệu nhà nước. Luật này được Quốc hội thông qua ngày 15.5.2022, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2024.Theo đó, quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng bị hủy bỏ, hiện vật khen thưởng và tiền thưởng bị thu hồi trong 5 trường hợp sau đây:
Thứ nhất: Có hành vi gian dối trong việc kê khai công trạng, thành tích để được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Thứ hai: Cung cấp thông tin sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ để đề nghị tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Thứ ba: Thẩm định, xét, duyệt, đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trái quy định của pháp luật.
Thứ tư: Có kết luận, quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền về việc người đã được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có vi phạm, khuyết điểm dẫn đến không bảo đảm tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong khoảng thời gian tính thành tích hoặc liên quan đến công trình, tác phẩm là cơ sở để tặng giải thưởng.
Thứ năm: Cá nhân được tặng danh hiệu vinh dự nhà nước mà bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật và bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
Như vậy, nghệ sĩ bị tước danh hiệu NSƯT, NSND khi vi phạm pháp luật có văn bản vi phạm rõ ràng và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp lý, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
Những nghệ sĩ từng bị công chúng yêu cầu tước danh hiệu NSƯT, NSND?
Gần đây, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh vợ chồng O Sen Ngọc Mai – NSƯT Quốc Nghiệp đang vui đùa cùng con tại một căn phòng. Trên đầu giường ở phòng này có cắm hai lá cờ, một trong số này là cờ ba sọc của chế độ Sài Gòn cũ. Đoạn video ngay sau đó gây tranh cãi trên cộng đồng mạng và hiện đã bị gỡ.
Trước đó, dư luận từng lan truyền thông tin Ngọc Mai và Quốc Nghiệp đến với nhau khi cả hai chưa ly hôn vợ/chồng đầu tiên. Đây là lần thứ hai vướng lùm xùm, nhiều khán giả phản ứng mạnh mẽ, thậm chí đòi tước danh hiệu NSƯT của Quốc Nghiệp.
Hay hồi đầu năm 2024, một giảng viên Nhạc viện TP.HCM tên M.H bị công chúng phản ứng mạnh mẽ, đòi tước danh hiệu NSƯT khi có hành vi ném điện thoại vào Lưu Thiên Hương. Nhiều người cho rằng, hành vi thiếu chuẩn mực này không xứng đáng với danh hiệu cao quý do Nhà nước trao tặng, đặc biệt là người đang trực tiếp làm công tác giảng dạy cao quý.
Một trường hợp khác được nhiều người quan tâm là NSƯT Hoài Linh từng bị khán giả tên N.T.T.H đệ đơn đề nghị tước danh hiệu NSƯT do đã gây dư luận xấu trong nhân dân. Đồng thời, đơn còn đề nghị cấm sóng các chương trình truyền hình và ấn phẩm trên internet có sự xuất hiện của nam nghệ sĩ. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì “chưa đủ cơ sở để xem xét việc tước danh hiệu NSƯT của nghệ sĩ Hoài Linh”.
Trên thực tế, trong quá khứ từng có nhiều nghệ sĩ có phát ngôn không hợp lý và gây ra nhiều ồn ào ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả. Nhiều người đã yêu cầu tước danh hiệu NSƯT, NSND nhưng đều rất khó vì những nghệ sĩ này không vi phạm các quy định về “Xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng” theo luật định.