Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ dài 175,2km, đi qua 6 tỉnh, thành phố và có vận tốc thiết kế lên đến 160km/h.
Bộ Giao thông Vận tải đang tích cực triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ theo chủ trương của Bộ Chính trị và quy hoạch mạng lưới đường sắt. Mục tiêu của dự án là trình cấp có thẩm quyền xem xét và phấn đấu khởi công trước năm 2030.
Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do liên danh tư vấn TEDI SOUTH – TRICC – TEDI thực hiện, tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ sẽ có điểm đầu tại ga An Bình (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và điểm cuối tại ga Cần Thơ (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ). Tuyến đường này đi qua các tỉnh và thành phố gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng tuyến đường sắt theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, và áp dụng công nghệ điện khí hóa trong giai đoạn hoàn thiện. Ở giai đoạn 1, tuyến đường sẽ được triển khai dưới dạng đường đơn từ An Bình đến Cần Thơ với tổng chiều dài 175,2km. Trong đó, có 76,6km đi trên nền đất (chiếm 43,72%) và 98,6km là công trình cầu, bao gồm cầu cạn và cầu vượt sông (chiếm 56,28%).
Tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ được kỳ vọng sẽ kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường này có vận tốc thiết kế 120km/h đối với tàu hàng và 160km/h đối với tàu khách, giúp nâng cao hiệu quả vận tải và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.