Duy Khiêm chia sẻ về hành trình đạt quán quân Trời Sinh Một Cặp. Bên cạnh đó, nam nghệ sĩ cũng trải lòng về quãng thời gian khó khăn của đời mình.
Gặp Duy Khiêm sau khi vừa đạt danh hiệu quán quân của Trời sinh một cặp. Không chỉ hài hước, dí dỏm trên truyền hình, trên mạng xã hội, Duy Khiêm ở ngoài đời cũng khiến người đối diện cảm nhận được nguồn năng lượng vô cùng lạc quan, tích cực và đầy sức trẻ. Nam nghệ sĩ đã có những chia sẻ thú vị với Saobiz về hành trình hoạt động nghệ thuật cũng như trải lòng về những khó khăn đã qua, về cách anh chàng vượt qua như thế nào cũng như những dự định nghệ thuật đầy hứa hẹn sắp tới.
Nhìn lại hành trình khi mới bắt đầu tham gia Trời sinh một cặp đến khi đạt quán quân thì Duy Khiêm cảm thấy như thế nào?
Khiêm cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc không phải được giải mà mình được sống trong không gian âm nhạc rất sôi nổi. Bởi vì, tần suất mình phải tập bài, dựng bài, hòa âm phối khí, thu âm và lên tập hát trên sân khấu liên tục làm cho mình quay lại thời còn trẻ. Cách đây khoảng chừng 10, 15 năm trước Khiêm là một trong những người chinh chiến ở các cuộc thi âm nhạc Vietnam Idol, The Voice, Tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường... Trải qua 10 năm Khiêm không tham gia gì hết, Khiêm cũng không ca hát nữa, nhiều người họ cũng quên rằng mình từng đi hát. Họ chỉ quen Duy Khiêm là một người sáng tạo nội dung.
Quay trở lại lần này, bản thân Khiêm như được sống lại tuổi trẻ, được diễn trên sân khấu với những đồng nghiệp rất chuyên nghiệp nên mình thấy khá hạnh phúc. Bởi vì, Khiêm luôn quan niệm rằng hạnh phúc là quá trình mình tận hưởng cảm giác trong giai đoạn làm việc hơn là kết thúc cuối cùng. Bạn biết không, ngay lúc Khiêm nhận được giải, Khiêm đã rơi vào trạng thái buồn. Khiêm suy nghĩ ngày mai mình sẽ làm gì? Ngày mai mình sẽ rảnh tay rảnh chân không ai thèm hỏi han mình. Sau đó, Khiêm hơi bị khủng hoảng xíu và cũng may Khiêm đã lấy lại tinh thần, phải tự lên nội dung cho những dự án cho mình chứ không thôi bản thân Khiêm sẽ ngủ quên trên chiến thắng.
Ở Trời sinh một cặp, khán giả thấy rằng Duy Khiêm và Thanh Duy có những tiết mục kết hợp rất là “điên rồ”. Anh hãy chia sẻ sự hợp tác này?
Ngay từ đầu khi về đội của anh Duy hai anh em có nói vui với nhau: “Anh dám làm khùng làm điên với em không?”. Anh Duy mới nói: “Dám sao không dám vậy một đứa xúi một đứa sẽ làm”. Và đi theo cái mô tuýp đó trên chặng đường thi thì hai anh em cứ Duy Khiêm xúi cái gì là anh Duy sẽ làm mà anh Duy xúi gì thì Khiêm cũng làm nhưng mà mình xúi cái hay nha mình mà xúi bậy là bị chửi. (Cười) Hai anh em rất ăn ý nhau và cùng gốc miền Tây đều rất thích vọng cổ, điệu lý, dân ca.
Bên cạnh đó, Khiêm và anh Duy lúc nào cũng tư duy, suy nghĩ là kết hợp cái này kết hợp cái kia cộng thêm Khiêm đã từng là một người làm nội dung nên mình hiểu được chương trình mình người ta cần những yếu tố gì trên sóng truyền hình. Anh Duy có lợi thế là trình diễn sân khấu rất tốt. Được cái là ảnh hay chửi mà mỗi lần ảnh chửi là mình phải cố gắng bởi vì đây là một thử thách khá là hay trong cuộc đời mình chưa từng làm. Nhờ sự đốc thúc của anh Duy mà hai anh em đã đoạt giải quán quân.
Những tiết mục của mình đem lại yếu tố hài hước quá nhiều vậy anh có nghĩ khán giả nghĩ anh sẽ một màu hay không?
Khiêm không nghĩ mình một màu đâu. Vì Khiêm hài là hài vậy thôi chứ bây giờ mà Khiêm đổi màu là Khiêm bị thập cẩm, không có một dấu ấn riêng thà khán giả nhìn mình và nói: “Ừ cái thằng này nó hay đóng hài nè”. Thì sau này tất cả mọi người đều nhớ Khiêm là hài, hát nhạc mang lại tiếng cười thì lúc đó Khiêm sẽ tìm các khía cạnh mới để mình khai phá. Bởi vì biết đâu sau này mình sẽ trở thành một diễn viên kịch chính thống, diễn viên kịch thiếu nhi hay là một ca sĩ chẳng hạn nhưng bạn làm cái gì thì bạn phải đậm đà cái đó. Quan điểm của Khiêm là như vậy, một nghề cho chính còn hơn chín nghề nghĩa là thà trong một giai đoạn đó mình làm xuyên suốt để người ta mang dấu ấn về mình đã sau đó mình phải tìm một phương án khác để làm hơn là một lúc mình làm quá trời mà không có cái nào đậm đà hết nó bị nhạt nhòa.
Làm việc với một người khó tính như anh Thanh Duy, Duy Khiêm học hỏi được gì?
Trên các trang báo mà dùng title “cặp thầy trò Thanh Duy – Duy Khiêm” là ảnh la ảnh bắt là phải bỏ hết tất cả các cụm từ thầy trò. Bởi vì quan điểm của anh Duy là hai người đến với nhau là hợp tác với nhau. Mình có cái của mình, ảnh có cái của ảnh gom lại để làm bài thi nên ảnh nghĩ rằng ảnh không dạy cho anh Duy Khiêm nhiều nhưng thật ra ảnh không biết rằng là ảnh với Duy Khiêm “học lóm”. Bởi vì cách ảnh làm việc rất tư duy, ảnh tư duy được là chỗ này nên ra sao, chỗ kia nên ra sao và phải xuất hiện kiểu nào cái đó là mình học ảnh không có dạy nhưng mình tự học.
Với Duy Khiêm, anh Thanh Duy là một người anh trưởng, một người thầy, Khiêm rất quý ảnh ở chỗ hiểu những cái khó của mình. Ví dụ mình nói không có nhiều tiền để đầu tư tiết mục. Dù mình không phải là người nghèo để than khổ nhưng so với chương trình mình không bằng những bạn khác có vốn đầu tư lớn cho những tiết mục. Chương trình mỗi tiết mục đều có hỗ trợ cho thí sinh khoảng 10 triệu 1 tiết mục nhưng phải trả cho vũ đoàn, trang phục và tiết mục nên anh Thanh Duy nói là không cần đầu tư quá nhiều em chỉ cần tập trung vào bản thân mình là được. Anh với em lên sân khấu là đủ rồi. Cho nên mọi người có thể để ý từ đầu tới cuối tiết mục của hai đứa toàn loe hoe mấy dancer thôi. Giống như tiết mục hồ quảng, làm trang phục hết 8 triệu cộng thêm bài nhạc thì Khiêm đã lỗ tiết mục đó rồi thì lúc này hai anh em quyết tâm là không đạo cụ luôn. Lúc đầu trong trí tưởng tượng có cái bàn, cái ghế, bức bình phong dựng này kia phong cảnh dữ dội lắm. Nhưng được báo giá 100 mấy chục triệu nghe xong anh Duy kêu thôi hai đứa mình đi ra múa quạt đi em nên cuối cùng đẻ ra tình tiết hai anh em đi ra múa quạt là như vậy. Cho nên là tìm được một người hiểu mình, hiểu được nỗi khổ nỗi khó và giúp mình thì điều đó rất là may mắn.
Nếu để nói 3 từ về anh Thanh Duy thì đó sẽ là gì?
Năng lượng: Gần đây Duy Khiêm với anh Thanh Duy có đi một chuyến Tây Du Hí – là một series về miền Tây anh em hát đối đáp với những người dân về miền Tây. Khiêm như tàn hình luôn. Ổng đi ra tới cái chỗ đó có chị kia bán nón lá ổng hát về nón lá liền. Ồng gặp chị nọ hát mặc áo dài bà ba thì anh Thanh Duy hát ngay lập tức một bài về bà ba có nghĩa ổng làm lia lịa luôn mình chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ổng đã hát xong 10 bài. (Cười lớn).
Sự thấu cảm: Anh Duy là một người cực kỳ thấu cảm khi mình kể cái khó của mình và ảnh rất lắng nghe. Ảnh không những lắng nghe mà ảnh còn hiểu được cái khó đó chứ không phải nghe xong mà bỏ qua. Ảnh hiểu được nên ảnh cùng mình tìm cách để cái việc đó trên nỗi khó đó của mình.
“Khó đỡ”: Anh Duy có rất nhiều con người trong ảnh, nhiều khi ảnh đang rất là vui vẻ nhưng sau đó ảnh lại hướng nội ngồi im re mà mình bất ngờ. Ảnh sẽ dồn năng lượng vào 1 công việc nào đó sau đó ảnh sẽ quay lại trạng thái tìm cho mình một không gian riêng mình hơi bị sốc. Anh Duy có rất nhiều tính cách, đặc biệt là phiên bản Delilah và chính ảnh cũng thừa nhận rằng ảnh có rất nhiều phiên bản khác nhau trong cơ thể nếu cần ảnh sẽ đưa phiên bản đó ra thích ứng với môi trường đó. Và Khiêm nghĩ là đây là một cái hay của người nghệ sĩ. Ảnh có rất nhiều cá tính ở trong bản thân anh ấy.
Đoạt giải quán quân chương trình Trời sinh một cặp thì anh sẽ định sử dụng tiền thưởng đó như thế nào?
Vòng thi nào Khiêm cũng khấn tổ xin là cho con được diễn trôi chảy con sẽ trích 10 % của số tiền thưởng đó ra. Mình được thưởng 100 triệu trừ thuế ra là còn 90 triệu. Nhưng mình cũng trích 10% là 10 triệu để mình mua gạo để gửi cho các nơi có hoàn cảnh khó khăn nuôi nấng trẻ em nhỏ, người già. Nhưng 10 triệu cũng chưa đủ 1 tấn nên Khiêm có rủ thêm nhiều người bạn để giúp thêm. Mình sẽ không gom vào 1 chùa mà mình gom thành nhiều chùa bởi vì gom lại 1 chùa họ ăn không hết dễ bị hư nên mỗi nơi một ít một ít. Thứ hai là trả nợ vì vẫn còn nợ vũ đoàn, nợ phòng thu. Khiêm thật sự rất biết ơn những người đã cộng tác với Duy Khiêm trong chương trình. Với số tiền còn dư Khiêm sẽ trả nợ ngân hàng vì mình mua nhà vẫn còn kẹt nợ ngân hàng.
Vừa đoạt giải Trời sinh một cặp cũng sáng tác, ca hát cũng như sáng tạo nội dung vậy thì có mục tiêu, hành trình “đỉnh cao” nào mà anh muốn chinh phục tiếp?
Thật ra ra nói vậy thì hơi quá khen, Khiêm thấy mình chưa có đỉnh cao nào hết trơn chỉ có những cái Khiêm làm là vì chưa ai làm. Cho nên người ta nghĩ rằng Duy Khiêm đang ở trên đỉnh cao. Giống như hài chế, Khiêm là người khai phá ra nó và là người đầu tiên làm cho nên người ta nhớ đến mình. Chứ thử bây giờ Khiêm vào môi trường việc gì ai cũng làm rồi thì mình chỉ như hạt cát hạt bụi thôi. Việc Khiêm mong muốn nhất mình là người đi tiên phong.
Khiêm nghĩ biết đâu đó Khiêm sẽ làm diễn viên. Dạo này, bật mí rằng Khiêm đang đóng kịch cho đài TP.HCM mà kịch thiếu nhi bữa trước mới đóng vai thần đèn sắp tới vai tướng cướp biết đâu sau này sẽ vào vai công chúa. Mà vui lắm nha, đi đóng vai lương không có cao tại vì chia cho nhiều phân rất nhiều nhân vật nữa. Nhưng mà vừa diễn xong được các bạn nhỏ bu lại xin chụp ảnh mình không thể nào đi được mình cứ đứng yên một chỗ cho con nít nó chụp hình sau đó mình về nhà mình cảm thấy mình sướng lắm. Bởi vì số tiền nó nhỏ hạnh phúc nó lớn cho nên Khiêm nghĩ là mình sẽ dấn thân sâu vào cái lĩnh vực đó xưa giờ mình không nghĩ mình diễn nhưng biết đâu sau này mình sẽ diễn nhiều hơn cho con nít coi.
Khán giả có theo dõi hành trình của anh xuất thân từ khó khăn đi lên, nhìn lại những việc mình đã làm thì khoảnh khắc nào khiến anh tự hào?
Khoảnh khắc hạnh phúc và tận hưởng nhất là Khiêm mở quán bán cà phê và hát nhạc acoustic. Mỗi ngày buổi sáng của Khiêm sẽ là pha chế thức uống, còn buổi tối sẽ là hát cho khách nghe, kéo dài trong khoảng 3 năm. Giai đoạn này Khiêm vui lắm, khán giả bỏ 100 ngàn vô xem hát mà không có giải lao hát liên tục 2 tiếng rưỡi khách không về. Họ quý mình tới nổi họ cứ muốn nghe hoài nghe hoài. Và đó là những năm tháng hạnh phúc mà mình không bao giờ quên được bởi vì nó đến từ rất nhiều yếu tố. Từ đây đến già khó có thể có được. Có một cái mình rất là sợ mình lên cao quá mình sẽ rớt sâu cho nên Khiêm luôn muốn cuộc đời mình nó lên nhẹ sẽ hơi xuống nhẹ để mình biết được mình đang ở đâu mình đi lên lại.
Nói một chút về cuộc sống, sau Trời sinh một cặp lý do vì sao Duy Khiêm lại trở về con đường học vấn vào thời điểm này?
Đến năm 34 tuổi cách đây có được 1 năm Khiêm quyết định quay trở lại với việc học. Hồi nhỏ Khiêm không có học Đại học Khiêm tốt nghiệp 12 là ra đời đi làm luôn. Hồi xưa, mình đi làm là làm ở trung tâm thương mại mình bán nệm, bán gối, bán ga thời đó trong đầu mình còn suy nghĩ sau này mình sẽ đi về đâu và làm gì. May mắn là lúc mình rảnh mình làm clip và người ta biết mình. Từ đó, mình bắt đầu dấn thân vào con đường làm nhà sáng tạo nội dung.
Mình được một công ty mời về làm. Lúc đó, họ mở ra một khối mới gọi là khối sáng tạo thì lúc này mình nổi tiếng họ nghĩ mình là nhà sáng tạo nên họ lôi mình về làm. Lương hồi đó khởi điểm có 5 triệu đồng thôi. Mình vui bởi vì mình không có bằng cấp mà họ lại nhận mình về làm từ đó mình có cái đà bước vào con đường làm việc chuyên nghiệp về nội dung thì quên mất cái việc học của bản thân.
Lý do bây giờ mình muốn học bởi vì “tôi có tiền tôi muốn học”. Hồi đầu thì Khiêm học thiết kế nội thất bởi vì trước mình làm nhà mình bị mấy bạn nội thất lừa gỗ kê giá cái mình ghét mình phải học để sau này mình không bị kê giá. Học được 2 học kỳ thì có một việc rất là mắc cười là mình đi mượn đồ thi Trời sinh một cặp mình nhắn tin cho stylist 3 ngày trời không trả lời rồi mình nghĩ chắc do bản thân mình không nổi tiếng nên là người ta không muốn gặp hay sao đó. Rồi hôm sau, mình ngay lập tức vô trường nộp đơn xin chuyển ngành Thiết kế thời trang vì muốn tự may đồ cho mình mặc.
Sau một tuần chuyển ngành, anh thấy quyết định đó của mình có đúng đắn?
Năm 17 tuổi Khiêm có tham gia thiết kế của báo Mực Tím thời đó mình làm những bộ đồ bằng giấy sau đó mình tiến lên mình làm bằng vải nó gần như là ước mơ đầu đời của mình vậy đó. Do mình không có tiền nên mình không đi học thôi cho nên là tua đi tua lại mình nghĩ học thiết kế nội thất ai dè mình lại học thiết kế thời trang.
Cuộc đời cũng đẩy mình về với ước mơ đầu tiên nhưng 15 năm trôi qua mình không có cập nhật về thời trang mình không có nhu cầu tìm hiểu tại vì mình nghĩ nó không liên quan tới mình lắm. Thành ra giờ mình nhìn cái slide mình không hiểu gì hết trơn, học bữa đầu về thiết kế quần áo trẻ em tự nhiên cái mình bị ghiền mình khi nghe cô nói về cách vận hành của thời trang cách họ ra làm sản phẩm như thế nào tự nhiên mình bị cuốn.
Khiêm nghĩ mình dù đúng dù sai nó không quan trọng nữa, ở tuổi này Khiêm học không phải đi làm ở tuổi này Khiêm học là cho mình. Và Khiêm đã may đồ Khiêm sẽ may cho mình mặc cho dù nó có xấu thì nó cũng là của mình chứ mình không phải may cho người ta nên mình không quá quan trọng việc đó lắm.
Có nhiều bạn trẻ trước sự lựa chọn ngành học nhưng khi nghe anh chia sẻ quan điểm này anh ngại gây tranh cãi?
Người trẻ các bạn thường đắn đo sẽ chọn nhiều hơn là người già. Các bạn trẻ có thể học được đúng ngành dù thời đại bây giờ sự định hướng cũng như hiểu biết giới trẻ đã nhiều rồi nó khác xa với thời của Khiêm nhưng vẫn còn đâu đó rất nhiều bạn hoang mang, không biết yêu thích cái gì. Đó có thể là thiếu sự định hướng giữa nhà trường và gia đình nhưng với tuổi già như anh thì anh đã xác định rồi mình biết mình cần gì mình làm gì. Việc anh chuyển từ nội thất sang thời trang nó có lý do lắm. Nhà thì ở 5, 10 năm mới xây 1 lần còn đồ mình mặc mỗi ngày là một bộ. Bởi vậy Khiêm lý trí dữ lắm, phải đặt ra nhiều thứ rồi sau đó mới đi tới quyết định cuối cùng.
Anh nghĩ sao về quan điểm áp đặt quá nhiều về công việc, về chốn công sở đầy drama. Có nhiều bạn quyết định về quê trồng rau nuôi cá để rời khỏi thành phố xô bồ sau những mệt mỏi ấy?
Dạo này Khiêm có nghe của cô Giác Lệ Hiếu, cô nói là ở trong chùa còn có người này người nọ ghét nhau các sư còn tị nạnh nhau đâu phải cứ cạo đầu là làm sư làm ni là họ sẽ cởi bỏ được hết tham sân si. Ở trong chùa còn có việc đó thì các bạn đừng có đòi hỏi những nơi công sở yên bình mà không có drama. Bạn đặt cái gì thì bạn phải có những yếu tố rủi ro đi kèm của nó. Ví dụ bạn chọn công ty quá hào quang rực rỡ, lộng lẫy quá nhiều sự cạnh tranh về quyền về chức bạn phải chấp nhận drama của nó, đứng trên đỉnh cao bạn phải chấp nhận người ta ghét.
Bây giờ, bạn đang làm ở công ty bỗng bạn được làm sếp 10 người sẽ có 1 người không nể bạn. Cho nên việc về quê trồng rau nuôi cá thì các bạn phải giàu sẵn, bạn không cần phải đi làm thì bạn mới có thể về quê mà trồng rau nuôi cá được vì bạn chỉ cần ở nhà ba mẹ bạn đã có của cho bạn. Nếu các bạn chưa có gia đình hậu thuẫn thì các bạn đừng mơ mình có cuộc sống bình yên. Thay vì bạn mơ thì bạn hãy làm cho bản thân mình màu sắc hơn.
Các bạn trẻ bây giờ hay đặt ra mục tiêu 30 tuổi bản thân mình phải thành công, phải có nhà, có xe, có mọi thứ. Vậy định nghĩa riêng của anh Duy Khiêm thành công là như thế nào?
Với Khiêm sự định nghĩa của thành công là mình phải ghi dấu được tên mình và có giá trị cho xã hội. Giai đoạn Khiêm kiếm tiền nhiều nhất là làm clip chế. Khoảng thời gian đó mình sa đà vào việc làm sao cho khán giả cười. Thời gian đó Khiêm kiếm tiền dữ dội lắm cho nên mới mua được nhà. Nhưng giai đoạn sau không có giá trị nên Khiêm đã xóa hết nội dung trên kênh của mình. Động thái đó của Khiêm như muốn nói Khiêm đang “quét” lại bản thân. Khiêm muốn mình thừa nhận mình đã sai trong giai đoạn đó. Từ đó về sau, mình sẽ làm những gì có giá trị cho xã hội và đều có thông điệp gửi gắm thì Khiêm gọi đó là thành công.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của Duy Khiêm cùng Saobiz, chúc anh sẽ có nhiều niềm vui và thành công hơn trong sự nghiệp!
Theo Tạp chí Ánh sáng & Cuộc sống