Bánh chưng được làm từ hạt nếp quýt tròn đầy, dẻo thơm là một đặc sản nổi tiếng của huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng).
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, còn là một đất nước có nền văn hóa ẩm thực lâu đời và đậm đà bản sắc dân tộc. Các món ăn đặc sản từng vùng miền của Việt Nam mang một nét đặc trưng riêng không trộn lẫn đi đâu được.
Trong vùng đất Đạ Tẻh, nằm sâu giữa vùng Nam Tây Nguyên cũng có một đặc sản đó là gạo nếp quýt. Đây là một giống lúa cổ truyền của địa phương nhưng giờ đây đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Gạo nếp quýt Đạ Tẻh đã có mặt trên bản đồ gạo đặc sản Việt Nam.
Thông thường tại huyện Đạ Tẻh, người dân sẽ sử dụng gạo nếp quýt để tiến hành sản xuất rượu. Với mong muốn đổi mới và phát triển các sản phẩm địa phương, chị Lương Huế người con của vùng đất này đã đưa “hạt ngọc” nếp quýt vào món bánh chưng xanh.
Nếp quýt là loại gạo có hình dạng hạt tròn, mập, trắng đục, vỏ mỏng, dẻo và ngọt tự nhiên. Bánh chưng xanh có hương thơm đặc trưng của nếp quýt, vị ngọt dịu dịu đến từ nếp quýt hòa quyện cùng với vị bùi bùi từ đậu xanh, béo ngậy từ thịt heo và thơm lừng của lá dong, được cân chỉnh thêm bằng các gia vị thông dụng có sẵn trong các bếp ăn gia đình.
Theo chị Lương Huế – chủ hộ bánh chưng xanh Lương Huế chia sẻ: “Từng công đoạn từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, vo gạo làm sạch, thái ướp thịt theo công thức tỷ lệ đến khâu gói bánh, luộc rửa bánh và cho đóng gói đều được thực hiện hoàn toàn thủ công được kiểm tra, đánh giá trong từng giai đoạn để đảm bảo chắc chắn ràng sản phẩm được tạo ra sẽ đạt chất lượng thơm ngon, dẻo, đảm bảo được các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Chiếc bánh chưng xanh thành phẩm được làm từ nếp quýt sau khi được đem đi luộc nóng hôi hổi. Trong làn khói hơi nóng của bánh lan tỏa đâu đó mùi thơm đặc trưng của gạo nếp quýt, cái mùi thơm của tình yêu thương mà người dân Đạ Tẻh chất chứa trong từng chiết bánh muốn gửi đến mọi người trên khắp cả nước.
Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM