Vừa làm mẹ vừa làm cha nhưng lại thiếu đi đôi tay lành lặn, chị Trâm phải cố gắng làm việc không ngơi nghỉ để nối dài chặng đường học tập chỉ vừa mở lối của con trai Trọng Nhân.
Chương trình Thần tài gõ cửa số 726 đến thôn Long Bình 2, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận để lắng nghe câu chuyện đời của gia đình chị Lê Thị Bích Trâm (1987).
Sinh ra với đôi tay dị tật bẩm sinh, chị Trâm kể về những tháng ngày ròng rã mà cha mẹ đưa chị đi khắp nơi để chữa trị: “Lúc mới sinh ra thì 2 cái tay nằm ngoài sau, đến 1 tuổi thì mới làm phẫu thuật, đưa 2 cái tay ra phía trước. Trước đây 2 tay tui không được tách ngón như vậy đâu, nó dính lại y như màng của chân con vịt. Cho đến 7 tuổi thì phẫu thuật tách ngón. Trên tay tui bây giờ cử động được 8 ngón, chỉ làm được việc nhẹ, không làm được việc nặng. Học được tới lớp 5, lên cấp 2 thì viết nhiều quá, tay lúc đó yếu, co rút tay không viết được nữa nên thì nghỉ ở nhà”.
Từ một cô bé chẳng cầm nổi một cây viết trên tay, ngày qua ngày, chị Trâm cố gắng tập luyện co duỗi, cầm nắm. Thoạt đầu, chị chỉ mong sao có thể làm những công việc nhà đơn giản để phụ giúp gia đình, cho đến khi Hội chữ thập đỏ xã An Hải mở lớp dạy may vá vào năm 2001, chị như tìm thấy niềm vui sống giữa những tháng ngày chông chênh.
Chị kể: “Sau khi ra nghề xong mới vào TP HCM làm công nhân may công đoạn. Hồi đó ở nhà cứ nương tựa vào bố mẹ nhưng khi vào đó rồi, mình tự lập, tự làm ra tiền nuôi sống bản thân, thậm chí có ít tiền dư cũng gửi về cho cha mẹ nữa. Nên lúc đó làm ra được đồng tiền thì vui lắm. Tới gần 3 năm thì công ty giải thể. Chị gái cũng mới vừa mở tiệm may nhỏ ở nhà, nên tui quyết định về quê. Từ đó đến nay là tui làm ráp công đoạn”.
Có ai ngờ, đôi bàn tay co quắp vào trong, nhỏ bé, yếu ớt ấy lại có thể xỏ kim thành thạo. Không đủ lực cầm kéo bằng một tay, chị Trâm nghĩ ra cách cầm 2 tay, 1 bên cán kéo tì vào hông để làm trợ lực. Cứ thế việc sửa đồ, cắt may dần trơn tru, nhanh chóng. Cố gắng vươn lên bằng chính sức mình, chị Trâm chỉ mong sao có thể cùng chồng vun đắp tổ ấm nhỏ mà mình hết mực yêu thương. Nhưng biến cố lại ập đến vào lúc con trai Nguyễn Trọng Nhân (2017) vừa lên 4 tuổi.
Chị tâm sự: “Năm 2021, 2 vợ chồng tôi ly hôn, tôi có ôm con về ngoại. Khi đó chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau thôi. Ráng cố gắng làm dù biết có khó khăn phía trước nhưng ráng làm để lo cho con. Đầu năm 2023 thì nhận được tin ba bé bị đột quỵ, thì bé đã không còn cha nữa. Hiện tại tôi vừa làm mẹ mà cũng vừa làm cha luôn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn lắm nhưng vì con phải cố gắng”.
Tranh thủ những lúc không có khách yêu cầu sửa chữa quần áo, người mẹ nghèo lại bắt đầu bôn ba trên khắp các ngả đường trên vùng quê nắng cháy mời bà con mua vé số. Chị kể: “Trước đây bé còn nhỏ thì gửi cho ông bà, tui có đi bán vé số, bán ngày bán đêm luôn. Đầu năm vừa rồi thì bé bước vào lớp 1, cái thời gian bán vé số thì tui chỉ đi bán buổi sáng, chiều về nhận đồ làm thêm để có thời gian đưa đón con đi học. Buổi tối thì ở nhà dạy cho cháu học. Hồi đó mình đã dở rồi, không được ăn học tới nơi tới chốn thì bây giờ cố gắng cho con đi học cho đến khi nó có nghề nghiệp đầy đủ”.
Ngẫm lại đời mình, niềm vui chẳng tày gang, lắm lúc chị Trâm như chùn lòng nản chí. Ước mơ mở tiệm tạp hoá trước nhà cha mẹ ruột để tiện bề nhận sửa chữa quần áo cho bà con như còn quá xa vời với người thợ khiếm khuyết.
Chương trình Thần Tài gõ cửa, phát sóng lúc 19h10, Chủ Nhật hàng tuần, trên kênh THVL1. Chương trình do Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.