Bộ cũng yêu cầu tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên thông tin kịp thời và báo cáo về tình hình ứng phó với lũ, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị.
Ngày 11/9, Bộ VHTTDL đã có văn bản về việc hoãn tổ chức Hội nghị, tọa đàm về truyền thông chính sách trong xây dựng pháp luật.
Theo đó, trước tình hình mưa lũ đang diễn ra phức tạp tại một số địa phương, để tập trung cho công tác phòng chống lụt, bão và kiểm tra, rà soát thiệt hại, khắc phục hậu quả sau bão số 3, đồng thời triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao, các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch tại các địa phương, Bộ VHTTDL thông báo tạm dừng việc tổ chức “Hội nghị, tọa đàm giáo dục truyền thông, tư vấn, đối thoại chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL ngành văn hóa, thể thao và du lịch” (dự kiến tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 19-20/9/2024) cho đến khi có thông tin cụ thể.
Trước đó, ngày 9/9, Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản về việc tạm dừng tổ chức “Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2024” Đợt 1.
Trong ngày hôm qua, Bộ cũng ban hành văn bản thông báo Lệnh Báo động lũ và báo cáo khắc phục hậu quả do bão số 3 gửi đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Tại văn bản này, Bộ VHTTDL yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục kiểm tra, rà soát, có phương án bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch và cơ sở vật chất do đơn vị quản lý; tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian báo động lũ.
Các đơn vị thuộc Bộ cần tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên thông tin kịp thời và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình ứng phó với lũ, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị.
Báo cáo tổng hợp bằng văn bản những công trình, hạng mục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, kèm theo dự toán khắc phục thiệt hại về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Văn phòng Bộ) xem xét, quyết định.
Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trụ sở đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm chủ động theo dõi sát diễn biến của lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng và các thông báo của chính quyền địa phương, Bộ, ngành liên quan để có các biện pháp kịp thời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giáo viên, học sinh, sinh viên; phối hợp chặt chẽ với địa phương triển khai các phương án đối phó với lũ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn có để di dời hiện vật, tài liệu quan trọng đến nơi an toàn; tổ chức khắc phục hậu quả và hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.