Trí tuệ nhân tạo đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở thời điểm hiện tại với nhiều tác phẩm nghệ thuật được chuyên gia đánh giá cao. Điều này khiến cho nhiều người đặt ra câu hỏi rằng AI có thể thay thế các họa sĩ trong lĩnh vực vẽ truyện tranh?
Với tần suất làm việc không ngừng nghỉ, ngày nay có nhiều họa sĩ truyện tranh phải đối mặt với các hạn chế về mặt sức khỏe. Điều này khiến cho cộng đồng người hâm mộ cảm thấy hối tiếc vì những bộ truyện dở dang và nhiều ý tưởng hay chưa được thực hiện. Thế nhưng sự xuất hiện của công nghệ AI đã làm dấy lên nhiều ý kiến đối lập đến từ phía nghệ sĩ và người hâm mộ.
Một ví dụ điển hình cho câu chuyện trên là Kim Jung Gi, họa sĩ truyện manhwa nổi tiếng với khả năng vẽ truyện mà không cần bản phác thảo. Một trong số các tác phẩm được nhiều người biết đến của ông có thể kể đến như Funny funny hay Spygames. Kim Jung Gi ra đi ở tuổi 47, khiến cho giới nghệ thuật trên toàn thế giới phải thương cảm và tôn trọng vì nguồn cảm hứng to lớn mà ông đã tạo ra cho cộng đồng.
Tuy nhiên, một tài khoản Twitter có tên 5you đã ngay lập tức gây chú ý chỉ sau đó vài ngày khi sử dụng các tác phẩm nghệ thuật của Kim Jung Gi để làm tư liệu đầu vào cho AI. Người này đăng tải một bức tranh được cho là dựa trên phong cách và nét vẽ của người họa sĩ đại tài. Đồng thời anh còn đưa ra lời tuyên bố rằng mọi người đều có thể trở thành tác giả truyện tranh khi trí tuệ nhân tạo có thể hiện thực hóa ý tưởng của họ với nét vẽ của Kim Jung Gi chỉ sau vài lần click chuột.
Theo thông tin được chia sẻ, công cụ vẽ tranh của 5you có tên là Stable Diffusion, một sản phẩm được tích hợp AI. Điều này giúp nó nâng cao khả năng tự học và người dùng có thể “dạy” bất kì điều gì họ muốn bằng cách nhập liệu. Người sử dụng tài khoản 5you cũng thực hiện quá trình này bằng các tác phẩm nghệ thuật của Kim Jung Gi mà không có sự cho phép hay chứng minh được quyền sở hữu.
Điều này đã khiến cho người xem bùng nổ phản ứng và cho rằng công nghệ AI đang lấy đi chất xám của người làm nghệ thuật. Đồng thời, công bố một thành quả đến từ việc sao chép tác phẩm của người khác ở thời điểm họ vừa qua đời là một sự thiếu văn hóa nghiêm trọng. “Kim Jung Gi vừa mất không được bao lâu mà đã có người lên tiếng đòi được công nhận bằng tác phẩm sao chép từ phong cách của ông” – họa sĩ người Mỹ Dave Scheidt đăng tải trên Twitter.
Một ví dụ khác có thể nhắc đến là tác phẩm của họa sĩ người Áo Gustav Klimt, người đã qua đời từ năm 1918. Ông được xem là người có phong cách vẽ tranh tượng trưng, thể loại tranh rất phổ biến vào thời điểm đó. Thế nhưng đa số các tác phẩm của Gustav Klimt đều đã bị tiêu hủy trong thế chiến thứ 2 và Philosophy là một trong số đó. Bằng cách nhập toàn bộ những dữ liệu về bức tranh bao gồm các tác phẩm khác của Gustav và mô tả của bức tranh, các chuyên gia trong lĩnh vực AI đã cùng nhau phục chế lại tác phẩm. Tuy quá trình mất rất nhiều tháng để tạo ra thành phẩm nhưng cuối cùng nó vẫn bị đánh giá thấp về vấn đề phục chế màu sắc cho bức tranh.
Nhìn chung, có rất nhiều ý kiến cho rằng giá trị của một người nghệ sĩ không chỉ nằm ở phong cách nghệ thuật mà nằm ở một cuộc đời và một trải nghiệm sâu sắc. Người xem có thể dễ dàng nhận thấy được sự vô hồn của các nhân vật qua nét vẽ của trí tuệ nhân tạo nên chúng cần rất nhiều thời gian để phát triển. Chính vì thế nên công nghệ AI không thể nào sao chép được cảm xúc và thông điệp mà tác giả truyền tải qua những nét vẽ. Đồng thời nhận định AI có thể thay thế các họa sĩ truyện tranh là điều khó có thể xảy ra.
Theo Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống