Cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, ngày có nhiều tổ chức ứng dụng chatbot trong lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao tính hiệu quả.
Chatbot là thuật ngữ công nghệ đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Nó là một chương trình được thiết kế để tiếp nhận, phân tích, xử lý và phản hồi thông tin mà người dùng cung cấp. Có thể nói rằng chatbot là trợ lý ảo của mỗi cá nhân, hỗ trợ người dùng giải quyết khối lượng lớn các công việc trong thời gian ngắn. Ngoài ra, chatbot còn được tích hợp thêm công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và NLP (xử lý ngôn ngữ tự nhiên), cho phép nó tự ghi nhận và học hỏi để xử lý các câu hỏi nằm ngoài bộ lưu trữ dữ liệu.
Với khả năng vượt trội, chatbot đang dần chiếm được vị trí dẫn đầu về phần mềm công nghệ được ứng dụng cho giáo dục. Một ví dụ cụ thể là ứng dụng Ninequiz được phát triển bởi Ninecode đã có hơn 300 nghìn lượt sử dụng do tích hợp ChatGPT để tạo ra nội dung giảng dạy. Thông qua chatbot, giáo viên có thể thiết lập các bài kiểm tra trắc nghiệm, tự luận một cách tự động với tính năng tự tạo câu hỏi dựa trên chủ đề được cung cấp. Phần mềm còn có thể tự chấm điểm, hỗ trợ giải đáp các thuật ngữ hay các công thức cho người dùng. Ngoài ra, Ninequiz còn giúp hỗ trợ giáo viên soạn giáo án và đề xuất ý tưởng mới liên quan đến chủ đề hoặc phương pháp giảng dạy.
Về phía học sinh, chatbot đóng vai trò như một người bạn lý tưởng, giúp các bạn tìm kiếm thông tin nhanh chóng và chuẩn xác trong quá trình học tập. Việc đặt câu hỏi liên quan đến kiến thức đã được học cho chatbot sẽ giúp cho các bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích để áp dụng trong thực tế. Thông qua sự tự học hỏi của chatbot hiện đại như ChatGPT, học sinh có không gian ảo để phát triển tư duy và tiếp nhận kiến thức ở mọi lĩnh vực mà không gặp phải nhiều hạn chế.
Bên cạnh những hiệu quả mà chatbot mang lại, có một số ý kiến cho rằng việc học sinh sử dụng chatbot sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với giáo viên. Việc ứng dụng chatbot vào lĩnh vực giáo dục sẽ khiến cho học sinh bị phụ thuộc và không thể phát triển tư duy đúng đắn. Học sinh có thể gian lận trong các bài kiểm tra, khiến cho việc đánh giá năng lực gặp nhiều khó khăn. Một sự thật đáng quan ngại về việc sử dụng chatbot đó chính là chúng cung cấp các thông tin được nhập từ dữ liệu có sẵn. Nếu có nhiều học sinh đồng thời sử dụng sẽ khiến cho bài làm của các bạn gặp phải vấn đề vi phạm bản quyền hoặc đạo nhái ý tưởng của người khác.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng chatbot có thể đa nhiệm nhưng không thể tạo ra động lực thúc đẩy tính ham học hỏi của học sinh. Chỉ khi đến trường, học sinh mới có thể nhận được sự tôn trọng và lắng nghe, điều mà bất cứ chatbot nào cũng không thể thay thế được. Trong thực tế, chatbot ngày càng phát triển mạnh mẽ về mặt thông tin, lĩnh hội kiến thức mà nhiều người cung cấp. Nhưng suy cho cùng thì chúng chưa có được tính cá nhân hóa phù hợp với yếu tố cảm xúc riêng biệt ở mỗi người.
Tại Việt Nam, người dùng liên tục bảo nhau về khả năng phi thường mà chúng mang lại khiến cho mong muốn được sử dụng đang ngày một tăng cao. Tuy nhiên, các phần mềm chatbot được tích hợp công nghệ AI vẫn còn đang được phát triển và người dùng tại Việt Nam chỉ có thể fake IP để được sử dụng. Là một sản phẩm công nghệ đóng vai trò là cầu nối của con người với hệ thống dữ liệu tự động hóa, chatbot có tính ứng dụng rất cao trong quá trình tương tác và trao đổi thông tin. Chatbot có thể xuất hiện ở mọi nơi, từ điện thoại cá nhân cho đến máy tính của văn phòng công ty, cho phép người dùng dễ dàng tiếp cận và sử dụng trong mọi thời điểm. Do đó, ứng dụng của chatbot đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực giáo dục.
Theo Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống