Dù có nhiều dinh dưỡng nhưng nước cam không phù hợp với một số người dưới đây.
Theo nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), cam có giá trị dinh dưỡng rất cao, có tác dụng bổ dưỡng sức khỏe và tăng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Nhiều loại vitamin có giá trị trong trái cam cho sức khỏe như vitamin C, vitamin B9 (acid folic) rất có lợi trong việc phục hồi sức khỏe cho người bị bệnh.
Bên cạnh đó, cam còn rất có lợi để phòng ngừa bệnh tim mạch, bệnh mỡ máu cao, chống lão hóa và tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Lương y Bùi Đắc Sáng cũng nêu cách sử dụng cam hiệu quả. Trong đó, tác dụng thứ nhất là giải khát, mát phổi, tiêu đờm (cách dùng: vắt lấy nước uống). Tác dụng thứ hai là trị đờm trệ, tiêu hóa kém (cách dùng: vỏ cam sắc lấy nước uống). Tác dụng thứ ba là trị sau đẻ bị phù (cách dùng: vỏ cam, vỏ bưởi lượng bằng nhau sắc lấy nước uống).
Những người không nên dùng nước cam
Dù có nhiều dinh dưỡng nhưng cam còn có những tác dụng phụ sẽ không phù hợp với một số người.
Người bị viêm loét dạ dày tá tràng: Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy không nên uống nước cam. Bởi trong nước cam chứa axit, các chất hữu cơ làm tăng axit trong dạ dày, gây chứng ợ nóng (nhói tim) và khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng.
Người có bệnh tiêu hóa: Nếu uống nước cam quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa, gây tiêu chảy.
Người đang đói: Nước cam chứa nhiều axit nên tuyệt đối không uống vào lúc đói, sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó, người vừa mới phẫu thuật cũng không nên uống nước cam.
Nước cam có lượng axit citric tương đối cao và tồn tại dưới dạng muối natri citrat. Đây là chất thường dùng để chống đông máu. Vì thế, chất này sẽ tạo phức với ion Ca ++ làm cản trở quá trình thrombin và prothrombinase – những yếu tố quan trọng tham gia quá trình đông máu.
Do vậy, những người sau phẫu thuật về dạ dày, ruột (đường tiêu hóa) có các vết mổ chưa hồi phục hay các vết thương có thể bị viêm loét nguy cơ bị xuất huyết nên thận trọng ăn cam quýt để tránh hiện tượng chảy máu ở chỗ vết thương.
Người đang uống thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh: Khi đang uống thuốc kháng sinh, nước cam không phải là sự lựa chọn tốt vì trong nước cam chứa phần lớn là axit một chất tương tự như naringin. Chất này làm bất hoạt hai men vận chuyển CYP3A4 và OATP1A2 thuốc sẽ khó hấp thu đầy đủ và có thể làm phá vỡ cấu trúc hóa học của thuốc. Khi đó thuốc kháng sinh sẽ không còn tác dụng kháng khuẩn, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn kéo dài.
Người bị bệnh thận, bệnh tiêu hóa và bệnh phổi: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, người già không nên ăn quá nhiều cam, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh thận, đường tiêu hóa kém và các bệnh phổi. Bởi điều đó sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng đau bụng, đau ngang thắt lưng, đau lưng và các triệu chứng khác.
Lương y này cũng thông tin thêm về thời điểm uống nước cam. Cụ thể, người vừa uống sữa không nên uống nước cam. Protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C có trong cam, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn mà còn có thể gây ra tình trạng chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy… Do vậy nên uống sữa trước hoặc sau khi bạn đã ăn cam ít nhất một giờ.
Ngoài ra, không uống nước cam trước khi đánh răng. Axit trong nước cam bám lên bề mặt của men răng và dưới tác dụng chà xát của bàn chải có thể làm cho men răng bị tổn thương nếu thường xuyên ăn và uống nước cam trước khi đánh răng.
Nếu có thói quen này, bạn nên súc miệng ngay sau khi uống nước cam để loại trừ sự bám dính của axit trên răng, ngăn chặn sự ăn mòn của axit với men răng.