Người dân cả nước đang hướng về các tỉnh phía Bắc, hàng trăm chuyến xe chở thuyền, áo phao cùng thực phẩm đã và đang lên đường đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai…
Đến sáng nay (11/9), nước lũ ở nhiều tỉnh miền Bắc vẫn ở mức cao, nhiều nơi đang rút chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 3. Tại Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, nhiều vùng vẫn đang bị cô lập, thiếu thực phẩm, nước uống, mất điện, mất sóng điện thoại…
Sáng nay, thôn Chản, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang chìm trong biển nước.
Trong những ngày qua, người dân cả nước đã gấp rút lên đường cứu trợ bà con vùng lũ. Những chuyến xe chở các loại thuyền với hàng trăm tình nguyện viên dày dặn kinh nghiệm ở khắp cả nước đã đến vùng lũ để giúp lực lượng chức năng ứng cứu bà con. Trên mạng xã hội, từng chuyến xe tải chở lương thực thực phẩm, thuốc men cùng áo phao đã và đang tiếp tục lên đường để làm được nhiều việc nhất có thể.
Chiếc xe chở nước suối, lương khô, bánh, sữa, áo phao… từ Tây Nguyên ra vùng lũ phía Bắc. Đây là một trong hàng trăm chuyến xe từ các tỉnh khác hướng về đồng bào đang gặp khó khăn.
Anh Lê Công Trung Hiếu (Hà Nội) nhận đồ đến khuya đêm qua (10/9). Anh Hiếu cùng với nhóm bạn chuyển lên xe, rạng sáng nay xuất phát đi lên vùng lũ.
Trước tình hình đó, sáng nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ra văn bản đề nghị nhà đầu tư miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ đồng bảo vũng lũ khi qua trạm thu phí.
Những bếp ăn nghĩa tình
Ngày 10/9, tại Quảng Bình, một cửa hàng đã cùng với bà con phường Phú Hải, TP Đồng Hới làm 500 hộp thịt sả ruốc gửi ra miền Bắc. Từ Quảng Bình cũng có rất nhiều chuyến xe ra Bắc tình nguyện hỗ trợ bà con, đặc biệt là các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão Yagi, bởi người dân Quảng Bình thường xuyên chịu cảnh bảo lũ, rất có kinh nghiệm trong các khâu “hậu bão”.
Người dân phường Phú Hải, Đồng Hới rang thịt sả ruốc, đóng hộp cẩn thận để gửi đến đồng vào đang gặp cảnh ngập lụt.
Tại Hà Nội, một số nhóm gia đình đã quyết định làm cơm nắm muối vừng, lạc rang, ruốc bông để gửi lên vùng lũ. Năm nay, mọi người chú trọng thực phẩm chuyển đi sao cho dễ mang, để được lâu và thiết thực. Vì thế, những món ăn được hút túi chân không để đảm bảo vệ sinh, hoặc cho vào hộp kín, đóng gói cẩn thận.
Các bạn nhỏ của nhóm chị Lan Uyên đang giúp đỡ bố mẹ gói thực phẩm mang lên vùng lũ.
Cơm nắm được nấu và gói rất gọn gàng. Đây là món dễ ăn, no lâu và thiết thực vì nhiều hộ dân bị cô lập, không có điện để nấu ăn.
Nhóm của chị Nguyễn Loan (La Khê, Hà Nội) còn hút chân không từng túi quà gồm bánh mì, nước, sữa để lực lượng chức năng thuận tiện hơn khi chuyển cho bà con.
Mỗi túi là một tấm chân tình gửi người đang gặp khó khăn.
Từng chuyến xe đầy ắp áo phao, sạc pin điện thoại
Ngay từ khi lũ ập đến khiến người dân chìm trong cảnh tang thương, ca sĩ Thái Thuỳ Linh đã đứng ngồi không yên và cô quyết định hành động rất thiết thực. Nữ ca sĩ đã kêu gọi và chuẩn bị được 2.000 chiếc áo phao, 500 đèn pin, 2.000 gói lương khô, 100 chiếc sạc dự phòng, cục tích điện và 1.000 hộp men tiêu hoá. Thậm chí, ngày hôm sau, cô còn đặc biệt chuẩn bị 200 túi quà trong đó có những món đặc biệt quan trọng như thuốc thang, nước uống sinh tồn, sạc dự phòng.
Khi đồng bào hoạn nạn, những người khác cũng “đứng ngồi không yên” và hành động nhanh chóng để giúp đỡ bà con. Hình ảnh nhóm của ca sĩ Thái Thuỳ Linh gấp rút chuẩn bị những túi quà mang lên vùng lũ.
Nhiều nơi bà con bị cô lập, không liên lạc được nên sạc pin điện thoại, cục sạc dự phòng là món quà rất có ý nghĩa vào lúc này.
Trong 2 ngày, Thái Thuỳ Linh và các bạn bè của mình đã đến vùng ngập nặng Chiêm Hoá – Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Đoàn của cô đã làm việc xuyên ngày xuyên đêm để mang những món đồ thiết thực này đến với bà con vùng lũ.
“Mấy chục con người quần quật cả ngày bốc vác, kiểm đếm, gom nhặt, bận tới mức không có thời gian hỏi tên nhau, nhưng nhìn ai cũng thấy thân thiện nhẹ nhàng là tâm cứ thấy an vô cùng. So với vạn đồng bào đã phải đỏ mắt thâu đêm giữa bốn bề nước lạnh, thì chút công sức nhỏ bé của chúng tôi nào thấm tháp gì. Chỉ mong sớm mai thức dậy đừng phải nghe những thương đau”, cô chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều người cũng đã giúp bà con vùng lũ tiêu thụ nông sản bị thiệt hại do mưa ngập. Tại Hà Nội và Thái Bình, người dân đã thu mua, kêu gọi giải cứu chuối cho bà con.
Chị Nguyễn Bích Thảo, đầu cầu Hà Nội cho biết, chị và bạn bè làm viêc không ngừng nghỉ trong 2 ngày qua để chuyển chuối về Hà Nội, ship chuối đến từng nhà và kêu gọi mọi người nếu có thể thì đến tận nơi lấy bởi những ngày này gọi ship cũng rất khó khăn.
Trong khi đó, tỉnh đoàn Thái Bình, huyện đoàn các địa phương trong tỉnh đã đến tận nơi chặt và hỗ trợ tiêu thụ chuối cho bà con huyện Hưng Hoà.
Thanh niên tình nguyện cùng bà con hỗ trợ chặt và tiêu thụ chuối cho người dân Hưng Hoà.
Đây là vùng chuối bị bão số 3 quật ngã.