Trong thời gian gần đây, nhiều người dùng giả mạo hình ảnh của các nhân vật có tầm ảnh hưởng nhằm phục vụ cho mục đích gây hại đến danh dự của nạn nhân và gây xôn xao dư luận. Mặc dù Deepfake đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội từ năm 2019 nhưng người xem vẫn có thể bị lừa bởi các thông tin không xác thực.
Deepfake là ứng dụng tích hợp AI có thể tự học hỏi dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ đến từ machine learning của Google. Với những hình ảnh chân dung như mắt, mũi, tai,.. AI sẽ quét qua và thực hiện việc thay đổi các chi tiết trên gương mặt của đối tượng. Nếu càng có nhiều dữ liệu về hình ảnh thì thành phẩm của công nghệ này sẽ càng sống động và chân thực. Ngoài ra, Deepfake còn có thể thu thập những chuyển động trên gương mặt, giọng nói và biểu cảm để tạo ra những hình ảnh, video khiến người xem không thể nhận ra rằng đó là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhận được sự quan tâm từ phía người xem nhưng Deepfake cũng trở thành mối nguy lớn nhất đến an ninh mạng. Có rất nhiều trường hợp nạn nhân bị cắt ghép vào các hình ảnh, video đồi trụy nhằm thỏa mãn thú vui lệch lạc của kẻ xấu. Trong những ngày qua, cư dân mạng đã truyền tay nhau những tấm ảnh được cho là của ông Donald Trump đang bị bắt giữ bởi cảnh sát. Thông tin ấy đã khiến cho người xem cảm thấy hoang mang khi hình ảnh được tạo ra bởi Deepfake là rất tinh vi. Thậm chí còn có nhiều người sẵn sàng chia sẻ những tấm hình ảo với bạn bè và người thân.
Trong một số báo cáo gần đây, thủ đoạn giả mạo hình ảnh đang có sự phát triển nhanh và có thể xuất hiện ở bất kì đâu. Thay vì chỉ nhắn tin và hù dọa nạn nhân thì giờ đây kẻ gian còn có thể sử dụng công nghệ Deepfake để video call trực tiếp. Chúng giả danh bạn bè và người thân nhờ chuyển tiền viện phí, đóng học phí,… nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Với thực trạng trên, nhà nghiên cứu người Mỹ Joan Donovan đã nhận định rằng AI là công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người. Thế nhưng khi được phát triển đến mức có thể tạo ra những hình ảnh có độ chân thực cao thì lại bị kẻ xấu lợi dụng để lan truyền thông tin tiêu cực trên các nền tảng mạng xã hội. Ngày càng có nhiều nội dung ảo được tạo ra bởi chủ đích lan truyền thông tin sai lệch. Mạng xã hội là không gian lý tưởng để những tin đồn thất thiệt được truyền tai nhau với tốc độ chóng mặt.
Theo giải thích của ông Vũ Ngọc Sơn, chuyên gia từ công ty công nghệ An ninh mạng Việt nam, Deepfake được phát triển để thỏa mãn nhu cầu giải trí. Công nghệ này là một sự cải tiến từ nhiều phần mềm chụp ảnh cho phép thay đổi nhân dạng của người dùng với các nhân vật hoạt hình hay cả những người nổi tiếng. Ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều công cụ có thể tạo ra những hình ảnh với tính chân thực cao và nhanh chóng. Một số công cụ có thể kể đến là Stable Diffusion hay Midjourney với tiềm năng lớn về mặt chất lượng. Đặc biệt hơn là phiên bản mới đây của Midjourney còn cho ra đời những bức ảnh khó có thể nhận ra rằng đó là sản phẩm đến từ công nghệ AI. Hình ảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đăng tải trên Twitter vào ngày 22 tháng 3 là một ví dụ điển hình mà công cụ Midjourney có thể tạo ra.
Tuy nhiên, công nghệ AI vẫn chưa thật sự hoàn thiện do vẫn còn đang trong quá trình phát triển. Các sản phẩm của Deepfake có chất lượng không cao, dung lượng thấp, thời gian và âm thanh trong video thường sẽ ngắn hơn so với thông thường. Trong số đó, nhân vật cũng thường có biểu cảm khá “đơ”, ít thể hiện được cảm xúc và thậm chí là còn xuất hiện một số hạn chế như khuôn mặt bị biến dạng hay chuyển động bất thường. Ngoài ra, giọng nói và hành động của các nhân vật trong video sẽ thường có xu hướng lặp lại liên tục, đồng đều trong chuyển động và lời nói.
Do đó khi tiếp nhận thông tin, người dùng có thể xem xét kỹ lưỡng yếu tố thời lượng, chất lượng, biểu cảm và giọng nói để nhận ra các khuyết điểm của AI. Với các cuộc gọi video không đáng tin, hãy yêu cầu họ quay mặt sang hướng khác vì điều này khiến cho AI không thể nhận diện và tạo ra các hạn chế trên gương mặt kẻ gian. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Meta (Facebook), Youtube,… đều đã phát triển công cụ riêng để phát hiện và xử lý các nội dung giả mạo hình ảnh người khác.
Theo Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống