Ngày 27/12, Ủy ban Hành chính thuộc Hạ viện Mỹ đã đưa ra thông báo cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên tất cả các thiết bị do Mỹ quản lý.
Hai năm sau khi tránh được một lệnh cấm trên phạm vi toàn quốc ở Mỹ, giờ đây ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok lại đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng ở cấp tiểu bang. Ngày 27/12, Ủy ban Hành chính thuộc Hạ viện Mỹ thông báo cấm cài đặt ứng dụng phát video ngắn TikTok trên tất cả các thiết bị do Hạ viện Mỹ quản lý. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có tới 19 trên tổng số 50 bang tại Mỹ đã đưa ra lệnh cấm này.
Quan chức của Bộ Quốc phòng, Cục Điều tra liên bang, Cục Tình báo Liên bang Mỹ cho rằng, người dùng TikTok tiếp tục là mục tiêu nhạy cảm khi ứng dụng chia sẻ video này vẫn sử dụng công nghệ của ByteDance, công ty đồng thời sở hữu Douyin phiên bản TikTok dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Phía bên Mỹ cho rắng, ứng dụng TikTok bị coi là có mức độ rủi ro cao do một số vấn đề bảo mật nên phải được xóa khỏi mọi thiết bị thuộc thẩm quyền quản lý của họ.
Vào giữa tháng 12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm TikTok trên thiết bị di động dành cho nhân viên liên bang. Dự luật đã được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua, nhưng vẫn cần sự ủng hộ của Hạ viện để bắt đầu có hiệu lực. Lệnh cấm được Thượng nghị sĩ Josh Hawley đưa ra áp dụng cho TikTok và tất cả các ứng dụng khác do công ty mẹ ByteDance phát triển.
Tuy nhiên, một số trường hợp ngoại lệ sẽ được áp dụng cho các nhà nghiên cứu đủ điều kiện, quan chức thực thi pháp luật và trong các tình huống an ninh quốc gia bị đe dọa. Trong những trường hợp đặc biệt như vậy, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải chuẩn bị trước các giao thức để giảm thiểu tối đa rủi ro.
Các quan chức chịu trách nhiệm thực hiện chính sách này bao gồm Giám đốc Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng, An ninh Mạng và Tình báo Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Quản trị viên Dịch vụ Tổng hợp.
Dự luật ngân sách Chính phủ liên bang Mỹ trị giá 1.700 tỷ USD cho tài khóa 2023 được thông qua hôm 20/12 cũng bao gồm điều khoản cấm TikTok trên các thiết bị do chính quyền liên bang quản lý và sẽ có hiệu lực sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.
TikTok cho biết họ đang hợp tác với chính phủ Mỹ để giải quyết tất cả các mối lo ngại hợp lý về an ninh quốc gia. Nền tảng này cũng đã thực hiện các bước độc lập để tách dữ liệu người dùng Mỹ ra khỏi các bộ phận khác trong hoạt động kinh doanh. Tuần trước, trong bối cảnh bị các bang phản đối, TikTok cho biết họ sẽ cơ cấu lại các nhóm kiểm duyệt nội dung, chính sách và pháp lý tại thị trường Mỹ.
Theo Tạp chí Ánh sáng & Cuộc sống