Với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, tối ngày 16-12, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra khai mạc Lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022.
Sự kiện do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 16 và 17/12, đây cũng là cơ hội để quảng bá sản phẩm từ cá tra, đặc sản địa phương, đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp và đối tác kết nối cung cầu, mở rộng thị trường. Các hoạt động của Lễ hội hướng đến duy trì tổ chức hằng năm để xây dựng hình ảnh thủ phủ cá tra – Hồng Ngự (Đồng Tháp); quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra – một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp – nơi được mệnh danh là “thủ phủ cá tra” và chung cho các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long . Đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm từ cá tra, đặc sản địa phương, đồng thời cũng là một trong năm sản phẩm phẩm – ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Lễ hội cá tra được kỳ vọng không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, mà còn cổ vũ, động viên và ghi nhận sự đóng góp của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế của địa phương và khu vực; giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương; khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu cá tra Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Đồng thời, đây cũng là dịp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ ứng dụng trong ngành thủy sản.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp , trước đây, cá tra giống được đánh bắt trong tự nhiên và sau này được ương nuôi nhân tạo thành công đã cung cấp nguồn giống dồi dào và phát triển thành loài cá nuôi ao, lồng bè trải rộng khắp đồng bằng sông Cửu Long. Loài cá này không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người. Vùng Hồng Ngự trước đây, bao gồm thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp nằm ở khu vực thượng nguồn sông Cửu Long. Từ những năm 1960, người dân vùng biên Hồng Ngự biết đến con cá tra. Bà con bắt cá tra giống tự nhiên từ sông Cửu Long rồi thuần dưỡng, chở đi bán khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhờ ứng dụng tiến bộ của khoa học, người dân Hồng Ngự đã cho sinh sản cá tra giống nhân tạo.
Khởi nguồn từ vùng Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp theo thời gian, dù phải trải qua không ít thăng trầm nhưng nghề nuôi cá tra vẫn phát triển ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là Đồng Tháp , An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long,….
Đến nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt ở hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổtrên thế giới. Ước cả năm 2022, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500 ha; sản lượng cá tra đạt khoảng 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến cả năm 2022 đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh điểm năm 2018 là 2,26 tỷ USD. Riêng tại Đồng Tháp, tính đến tháng 11/2022, diện tích lũy kế nuôi cá tra ước đạt 2.450 ha với sản lượng thu hoạch 505.000 tấn; xuất khẩu ước đạt 270.077 tấn, kim ngạch ước đạt 847 triệu USD, tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021 và đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản (chủ yếu là chế biến cá tra phi-lê đông lạnh xuất khẩu), với tổng công suất thiết kế khoảng hơn 500.000 tấn/năm, thu hút trên 25.000 lao động, ông Nghiã nhấn mạnh.
Trong niềm vui hân hoan phấn khởi chung của Lễ hội, phát biểu tại Lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Phùng Đức Tiến cho biết, năm 1997 lần đầu tiên cá tra tham gia vào thị trường thế giới, xuất khẩu thu về chỉ 1,6 triệu USD. Đến nay cá tra Việt Nam đã có mặt trên 134 quốc gia. Năm 2022, mặc dù chịu tác động từ hậu quả của dịch Covid-19 nhưng ngành hàng cá tra vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc khi đạt sản lượng 1,6 triệu tấn, đến hết tháng 11-2022 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, dự kiến cả năm 2022 đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua mức đỉnh của năm 2018 là 2,26 tỷ USD. Những kết quả của ngành hàng cá tra có sự đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất – xuất khẩu, tiêu thụ cá tra, tinh thần vượt khó để duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng. Đồng thời, có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương xử lý những khó khăn, rào cản từ thị trường nhập khẩu; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ, khích lệ người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, cá tra được xác định là sản phẩm quốc gia của Việt Nam và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biến đối khí hậu.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Lễ hội cá tra với chủ đề “Vươn ra biển lớn” với nhiều hoạt động phong phú sẽ góp phần tôn vinh những cá nhân, đơn vị, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng cá tra, đồng thời sẽ thay đổi nhận thức người dân Việt Nam với hình ảnh mới và giá trị thực tiễn về con cá tra.
Theo ban tổ chức Lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022, cùng với hoạt động chính của Lễ hội, các họat động bên lề như: Hoạt động trải nghiệm không gian cá tra và loài cá trong văn hóa Việt Nam và thế giới; thưởng thức biểu diễn ẩm thực, quà lưu niệm, các sản phẩm đặc sắc từ cá tra; hội thi ẩm thực từ cá tra; tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra (Famtrip). Lễ hội còn là nơi tôn vinh những cá nhân, đơn vị, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng cá tra, hoạt động vì cộng đồng. rong khuôn khổ Lễ hội còn có hội nghị tổng kết ngành cá tra Việt Nam năm 2022; hội nghị chuỗi nuôi trồng, tiêu thụ, ký hết hợp tác và tọa đàm của ngành khuyến nông Việt Nam,…
Theo Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống